Rác bủa vây nhiều tỉnh miền Tây: Vì đâu nên nỗi!
Thứ 3, 05/11/2024
Administrator
23
TP - Thiếu nhà máy xử lý, nhiều bãi rác trên địa bàn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày một quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân bức xúc, chính quyền địa phương loay hoay, “đỏ mắt” tìm nhà đầu tư các dự án mới…
Bãi rác Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) có quy mô 47ha đưa vào sử dụng hơn 20 năm qua, gồm bốn khu chứa rác và các công trình phụ trợ như đường dẫn, đê bao, hồ chứa nước rỉ... Năm 2013, một doanh nghiệp đầu tư 200 tỷ đồng xây nhà máy xử lý rác làm phân vi sinh với công suất 300 tấn/ngày.
Bãi rác Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long
Tuy nhiên, nhà máy chỉ hoạt động khoảng 6 tháng thì đóng cửa. Năm 2016, nhà máy hoạt động trở lại và chuyển sang phương án đốt rác, nhưng cũng chỉ cầm cự được vài tháng rồi ngưng do tiền thu từ xử lý rác không đủ chi phí vận hành.
Hiện nay, mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận khoảng 350 tấn rác nhưng chủ yếu dùng biện pháp chôn lấp. Hai khu chứa số 1 và 2 đã đầy với hàng trăm nghìn tấn. Khu số 3 có sức chứa 200 nghìn tấn đang tiếp nhận rác, dự kiến sẽ đầy vào tháng 6/2024.
Vào những ngày nắng nóng, bãi rác Hòa Phú bốc ra mùi hôi thối. Trời mưa, nước thải rỉ ra môi trường, ảnh hưởng cuộc sống, sản xuất của người dân địa phương. Nhiều người đã gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp khắc phục.
Một cán bộ Cty CP Công trình công cộng Vĩnh Long cho hay, suốt thời gian đơn vị quản lý bãi rác ở xã Hòa Phú, ông nhận rất nhiều phản ánh. Mỗi khi xảy ra sự cố tràn nước, Cty phải kiểm tra và bồi hoàn cho người dân bị thiệt hại về lúa, cá nuôi. Chỉ tính riêng năm 2022, Cty đã đền bù 4 lần với tổng kinh phí đến 1,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn thị xã Duyên Hải lại bỏ hoang, hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho người dân. Dự án vốn được UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2017, tổng vốn đầu tư hơn 263 tỷ đồng, công suất xử lý rác 100 tấn/ngày. Tuy nhiên, mấy năm qua, nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.
Tại tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh này hồi cuối tháng 7 phải ban bố tình huống khẩn cấp về sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri, sau khi nhiều người dân bức xúc chặn đường không cho xe chở rác vào bãi vì tình trạng ô nhiễm. Theo UBND tỉnh Bến Tre, đây là nơi duy nhất tiếp nhận lượng lớn rác thải trong thời gian nhà máy xử lý rác thải của tỉnh (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) tạm đóng cửa. Việc không khẩn cấp khắc phục, xử lý sẽ gây bất ổn về môi trường, an ninh và xã hội trên phạm vi rộng.
Công tác khắc phục đang được rốt ráo triển khai. Hiện lượng rác thải mỗi ngày được đưa về lưu tạm tại nhà máy xử lý rác xã Hữu Định, chờ đến khi bãi rác An Hiệp khắc phục tình trạng ô nhiễm và người dân đồng thuận cho xe vào mới đưa rác lưu tạm trở lại xử lý.
Loay hoay tìm nhà đầu tư
Đối với nhà máy rác xã Hữu Định (Bến Tre), tỉnh đã làm việc với doanh nghiệp và thống nhất tái cơ cấu, đầu tư nhà máy hiện đại, công suất 400-500 tấn/ngày, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Khi đó sẽ giải quyết lượng rác của thành phố Bến Tre và các một số huyện.
Tại Vĩnh Long, UBND tỉnh cũng vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy đốt rác ở huyện Long Hồ với diện tích hơn 7,6ha, khả năng xử lý 500 tấn rác mỗi ngày, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng…
Ông Lê Văn Liêm - Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, trong các cuộc họp HĐND tỉnh, lãnh đạo tỉnh giải trình đến cuối năm phải chọn được nhà đầu tư, nhưng còn chưa thu hồi mặt bằng của nhà máy trước đây. Các đơn vị chuyên môn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh sớm thu hồi mặt bằng giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất.
Theo ông Võ Quốc Bảo - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Vĩnh Long, tỉnh chọn công nghệ đốt rác, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Hiện tại, ngành chức năng tổng hợp, điều chỉnh, trình cấp thẩm quyền ban hành tiêu chí để chọn nhà đầu tư.
Tại tỉnh Trà Vinh, hiện có hàng chục bãi, khu trung chuyển rác trên địa bàn các huyện. Mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 450 tấn rác thải sinh hoạt nhưng tỷ lệ xử lý chưa đến 50 tấn. Rác tồn đọng kéo dài gây ô nhiễm môi trường, người dân nhiều lần bức xúc, phản ứng. |
Chia sẻ: