Quá trình chuyển đổi năng lượng
Thứ 3, 05/11/2024
Administrator
27
Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo, xe điện và yêu cầu ngày càng khắt khe từ các hiệp định khí hậu trong việc giảm lượng khí thải nhà kính đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới.
Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều quan tâm đến phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Đi trước và có tỷ trọng NLTT cao là các nước Âu, Mỹ. Tại châu Á, Trung Quốc nổi lên là nước sớm ban hành luật NLTT đã tạo ra động lực để phát triển mạnh việc sử dụng các nguồn NLTT như năng lượng gió, điện mặt trời trong những năm gần đây. Cho đến nay đã có khoảng 16% lượng tiêu thụ điện toàn cầu từ các nguồn NLTT, với 10% trong tất cả năng lượng từ sinh khối truyền thống và 3,4% từ thủy điện. Các nguồn NLTT mới (sinh khối hiện đại, gió, mặt trời, địa nhiệt, và nhiên liệu sinh học) chiếm thêm 3% và đang phát triển nhanh chóng.
Năng lượng tái tạo khó có thể thay thế được dầu mỏ và khí đốt trong tương lai gần
Ở cấp quốc gia, có ít nhất 30 quốc gia trên thế giới đã sử dụng NLTT và cung cấp hơn 20% nhu cầu năng lượng của họ. Các thị trường NLTT cấp quốc gia được dự đoán tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thập niên tới. Ví dụ như năng lượng gió đang phát triển với tốc độ 30% mỗi năm. Trong số 20 thị trường lớn nhất trên thế giới, chỉ riêng châu Âu đã có 13 nước, Đức là nước dẫn đầu về công suất của các nhà máy dùng năng lượng gió với khoảng cách xa so với các nước còn lại. Tại Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha, việc phát triển năng lượng gió liên tục trong nhiều năm qua được nâng đỡ bằng quyết tâm chính trị.
Một số nhà công nghiệp dầu khí cũng như các nước sản xuất dầu mỏ đã nhận thức được vai trò của NLTT nên bắt đầu đầu tư vào ngành này; chẳng hạn như Tập đoàn Total của Pháp đầu tư vào năng lượng mặt trời, hay Tập đoàn Statoil của Na Uy đầu tư vào điện gió.
Một “đối thủ cạnh tranh” khác của dầu mỏ là xe chạy bằng điện. “Ngày nay, nhiều người nói về xe điện và đúng như vậy, bởi vì lượng xe điện bán ra đang tăng mạnh. Năm ngoái, doanh số bán xe ôtô điện đã tăng kỷ lục”, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết trong một cuộc phỏng vấn của AFP
Hôm 6-7-2017, Pháp thông báo muốn chấm dứt việc bán xe chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2040, trong khi Tập đoàn Xe hơi Volvo có kế hoạch ngừng phát triển các mẫu xe truyền thống (chạy bằng xăng dầu) từ năm 2019 trở đi. Trước đó, Ấn Độ cũng thông báo sẽ chuyển đổi hết số xe ôtô hiện nay sang xe điện vào năm 2050. Tiềm năng của xe điện và tác động của nó bắt đầu khiến nhiều nhà sản xuất dầu mỏ lo ngại.
Hiện chỉ có hai triệu xe ôtô điện lưu thông trên đường, tương đương 0,2% toàn bộ lượng xe ôtô trên thế giới.
Chưa hết, ngành công nghiệp dầu mỏ cũng đang chịu áp lực từ yêu cầu giảm lượng khí thải nhà kính phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Cụ thể là lĩnh vực sản xuất đang phải cắt giảm lượng máy móc chạy bằng xăng dầu để giảm khí thải, chuyển dần sang máy móc chạy điện hoặc mô hình sản xuất ít phụ thuộc vào dầu mỏ. Trung Quốc, nước phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới, gần đây cam kết thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bằng cách chuyển đổi sang mô hình kinh tế ít gây ô nhiễm hơn.
Trước nghi vấn cho rằng, kỷ nguyên dầu mỏ sắp kết thúc, Amin H. Nasser, Chủ tịch Tập đoàn Aramco của Arập Saudi nhận định: “Nhu cầu đối với tất cả các loại năng lượng nói chung sẽ còn tăng trong nhiều thập niên nữa”.
“Việc hướng tới một thế giới ít thải ra khí nhà kính hơn sẽ đòi hỏi nhiều lộ trình khác nhau theo nhu cầu của mỗi quốc gia”, Ben van Beurden, Giám đốc điều hành Shell cho biết, tại Đại hội Dầu mỏ thế giới lần thứ 22 được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-7. “Quá trình chuyển đổi năng lượng chỉ diễn ra mạnh ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, nhưng châu Phi và châu Á, nơi tập trung hơn 3,6 tỉ người trên hành tinh vào cuối thế kỷ này, vẫn rất cần dầu mỏ. Những nước đang phát triển vẫn sẽ cần dầu mỏ để phát triển các ngành công nghiệp của họ” - ông Beurden nói thêm.
Tuy nhiên, do phải đối mặt với những lời chỉ trích về lượng khí thải nhà kính gây ra trong quá trình khai thác, các nhà công nghiệp dầu mỏ cam kết áp dụng những tiến bộ công nghệ để làm giảm tác động thông qua việc xử lý và lưu trữ khí CO2.
Theo ông Amin Nasser, “phải loại bỏ ngay ý nghĩ cho rằng, thế giới có thể sớm bỏ qua các nguồn năng lượng tin cậy và đã được chứng minh như dầu mỏ và khí đốt”.
Về phần mình, Giám đốc điều hành IEA nhấn mạnh: “Nhu cầu dầu sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi xe tải, máy bay, tàu thuyền và bởi chính ngành công nghiệp hóa dầu. Ngày nay thật khó có thể tìm được sản phẩm thay thế cho dầu trong các lĩnh vực trên, ít nhất là trong trung và ngắn hạn. Ngay cả trong một thế giới bị hạn chế bởi các hiệp định về môi trường chúng ta sẽ luôn luôn cần dầu khí”.
OPEC ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo
Tương lai của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được nhắc đến nhiều tại thượng đỉnh G20 diễn ra ở Đức ngày 8-7-2017. Đây là dịp các quốc gia có lượng khí thải lớn gây hiệu ứng nhà kính thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại quyết định không tham gia hiệp định này được đưa ra hồi tháng 6-2017.
Về vấn đề này, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo cho rằng, Hiệp định Paris là không thể đảo ngược và tất cả các thành viên của OPEC đều ủng hộ hiệp định này.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được 195 quốc gia ký vào tháng 12-2015, nhưng để có hiệu lực thì hiệp định này phải được quốc hội các nước thông qua. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu xác định kế hoạch hành động toàn cầu để tránh biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất.
Theo Sputnik, sự ủng hộ của OPEC đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là rất quan trọng, vì theo kế hoạch để cắt giảm lượng khí thải nhà kính, các nước phải chuyển đổi nền công nghiệp dùng xăng dầu sang dùng năng lượng sạch. Là các nước bán dầu, nhưng OPEC sẵn sàng ủng hộ giải pháp không dùng dầu khí.
S.Phương (tổng hợp)
(Nguồn: http://petrotimes.vn/qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-497315.html)
Chia sẻ: