Phát triển năng lượng tái tạo: Việt Nam cần giải pháp đột phá

Thứ 3, 05/11/2024

Administrator

26

Trên thế giới, cũng như Việt Nam, các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, chỉ có năng lượng tái tạo là dạng năng lượng có tiềm năng to lớn. Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến các nguồn năng lượng của Việt Nam hiện tại và trong tương lai tới.

Tổng công suất của hệ thống nguồn điện quốc gia đến nay chúng ta mới có 46.000 MW, hàng năm phát ra sản lượng điện trên dưới 170 tỷ kWh. Theo mục tiêu của Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) tới năm 2025 chúng ta cần có 90.000 MW điện và sản lượng điện phát ra trên dưới 400 tỷ kWh/năm và tới năm 2030, chúng ta cần phải có từ 120.000 - 130.000 MW công suất đặt nguồn điện và sản lượng điện lúc đó trên 570 tỷ kWh, chưa nói tầm nhìn đến năm 2050.

1143896.jpg

Thời gian tới năm 2030 chúng ta còn hơn 10 năm nữa, vậy để có cách gì đạt được con số đó?

Rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên dưới 6,7%/năm, mọi lĩnh vực kinh tế đều phát triển mạnh mẽ, yêu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng cao, đòi hỏi sự đáp ứng khẩn trương về năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Nếu chúng ta không có sự bứt phá mạnh mẽ, không có những đột phá mới, những giải pháp tích cực thì nguy cơ thiếu điện những năm từ 2019 - 2020 và cũng như những năm sau đó là rõ ràng.

Việc một loạt các dự án nhiệt điện than ở khu vực miền Nam, miền Trung bị chậm tiến độ, gây ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp điện cho khu vực. Để cân đối được cung cầu điện nêu trên, từ nay tới năm 2030 và những năm sau đó, chúng ta cần phát triển thêm từ 30.000 - 40.000 MW nhiệt điện than nữa; nhưng đi đôi với nó thì cần cân đối hai nguồn than.

Một là: Kế hoạch khai thác than trong nước được đẩy mạnh thế nào để đảm bảo cung ứng được ít nhất 30% về nhu cầu than cung cấp cho các nhà máy điện cũ và mới trong tương lai?

Hai là: Nguồn than nhập khẩu cần phải xác định sớm nguồn than ở đâu, quốc gia nào? Chất lượng than, ứng với công nghệ các nhà máy nhiệt điện có công nghệ mới (như các lò hơi siêu tới hạn). Mặt khác, giá than cũng là một vấn đề cần xem xét, cùng với sản lượng than cung ứng để đáp ứng cho số lượng lớn các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai.

Nếu tính toán không kỹ thì chúng ta bị bất cập trong vấn đề nhiệt điện than. Về vấn đề môi trường và chất lượng các nhà máy nhiệt điện than, chúng ta đã cho đa dạng hóa các nhà đầu tư, tìm đủ nguồn vốn để nhập khẩu, tổ chức đấu thầu, chọn những nhà thầu cung cấp thiết bị hiện đại, ưu tiên số một là lò hơi phải dùng là có công nghệ trên siêu tới hạn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các loại khí độc hại như SO2, CO2, NOx, đặc biệt là xỉ than, mỗi năm thải ra môi trường hàng chục triệu tấn.

Vấn đề xỉ than là một bài toán lớn cần có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, đưa ra những cơ chế đặc biệt bắt buộc các doanh nghiệp và người dân phải thực hiện, đó là:

Thứ nhất: Sử dụng xỉ than làm nền móng đường giao thông, làm nền móng xây nhà cửa và phát triển đại trà gạch không nung để thay thế gạch nung hiện tại. Ví dụ, các dự án đường giao thông, nhà ở nào mà không sử dụng các vật liệu từ xỉ than thì không duyệt cho đầu tư, và nhiều cơ chế chính sách khác... Muốn vậy, cần phải khuyến khích các nhà đầu tư, kinh doanh, như hỗ trợ vốn vay, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho họ thì bài toán xỉ than sẽ giải quyết được, không bế tắc như bây giờ.

Một nguồn điện nữa cũng cần được quan tâm là điện khí hóa lỏng (LNG), hiện nay chúng ta có khoảng 7.500 MW điện tua bin khí đang vận hành sử dụng khí tự nhiên, các nhà máy này nằm ở khu vực Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Cà Mau,… nhưng không đủ khí để chạy, trong tương lai tới, chúng ta nên có quy hoạch cho xây dựng thêm từ 20.000 - 30.000 MW điện khí từ LNG nhập khẩu (khí hóa lỏng). Muốn vậy, phải tính toán quy hoạch từ bây giờ và đồng bộ với nó là xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận nguồn nhiên liệu nhập khẩu LNG phục vụ cho các nhà máy này.

Ngoài những nguồn điện có tính chất truyền thống nêu trên thì chúng ta biết năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) là những nguồn điện dồi dào và gần như vô tận của Việt Nam. Chính phủ, Nhà nước đã ra chiến lược phát triển, động viên khuyến khích các nhà đầu tư trong hàng chục năm nay, nhưng trong thực tế chúng ta chưa triển khai được bao nhiêu.

Hiện tại rất nhiều nhà đầu tư đã xin đất, giấy phép đầu tư lên tới hàng chục nghìn MW đầu tư điện mặt trời và điện gió, nhưng trong thực tế chưa có một MW điện mặt trời mới nào ra đời thành công, kể cả phát độc lập, hay nối vào lưới điện quốc gia. Tôi lấy một ví dụ cụ thể: Nhà máy điện gió Bạc Liêu dự kiến xây dựng 92 MW thì trong năm 2017 đã vận hành 30 MW nhưng thực chất bán cho EVN qua Tổng công ty Điện lực miền Nam chỉ được 200 triệu kWh, như vậy hiệu quả ở đây là rất thấp, do đó cần phải đầu tư với công nghệ như thế nào mới phát huy được hiệu quả.

Điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời phải có đủ giờ nắng (bức xạ mặt trời), điện gió phải có gió đủ cấp độ thì mới phát điện được - đây là những vấn đề cần phải nghiên cứu, không phải chuyện dễ dàng. Một loạt các vấn đề cơ chế chính sách để khai thác, xây dựng, kết nối với hệ thống điện quốc gia, việc ổn định lưới điện khi đưa năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia là cả một loạt các vấn đề phức tạp.

Bài toán này cần phải được nghiên cứu về mặt công nghệ, kỹ thuật, kết hợp lúc nào thì khai thác năng lượng tái tạo, lúc nào thì khai thác năng lượng truyền thống. Hai loại năng lượng này phải khai thác hài hòa, hợp lý thì năng lượng tái tạo mới có ý nghĩa.

Hệ thống điện quốc gia có ba chế độ vận hành đáp ứng phụ tải điện: đáy, đỉnh và lưng. Để đáp ứng được 3 chế độ này cần có nguồn điện truyền thống để đáp ứng được. Còn điện gió, điện mặt trời chỉ đáp ứng được một phần.

Vậy khai thác các dạng năng lượng này vào giờ nào, ngày nào trong các tháng, quý, năm? Đòi hỏi ngành điện cần phải nghiên cứu kỹ càng. Ở đây tôi muốn đề cập thiết bị - đó là hệ thống lưu điện ESS. Nếu công suất của hệ thống năng lượng tái tạo lớn hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn MW, hoặc cao hơn nữa thì cần có lưu điện ESS để đảm bảo ổn định tần suất, ổn định điện áp và ổn định phụ tải khi kết nối vào lưới điện quốc gia để đảm bảo sự vận hành ổn định. Vấn đề này EVN cần nghiên cứu, phân tích. Ngoài ra, còn kéo dài thêm thời gian phát điện sau khi mặt trời tắt và hết gió.

Năng lượng điện mặt trời, gió cần đa dạng hóa về công suất để sử dụng cho nhiều đối tượng trong xã hội. Có thể từ một vài kW, tới hàng chục kW, hoặc hàng trăm kW… từ sử dụng tấm pin mặt trời trên mái nhà, cửa sổ, trên sườn đồi, sườn núi để tạo ra nguồn điện phục vụ tại chỗ cho các hộ gia đình, còn sản lượng điện thừa thì bán lại cho EVN. Cơ chế mua điện của EVN cũng phải được xem xét: theo cơ chế hiện nay, sau khi kết thúc một năm mới tính cơ chế bù trừ, quyết toán, thanh toán thì đã hợp lý chưa?

Trên thế giới đã có nhiều nước xây dựng được rất nhiều dự án sản xuất ra điện mặt trời, điện gió. Năng lượng tái tạo có những nước chiếm tới từ 20-40% tổng sản lượng điện quốc gia, được sử dụng, khai thác rất tốt như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan, Đức, Mỹ… Hạn chế là chúng ta chưa sản xuất ra được và phải nhập khẩu các bộ điều chỉnh nghịch lưu DC - AC (Inverter).

Để Việt Nam có hàng chục nghìn MW điện tái tạo, Chính phủ nên cho tập hợp các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đi học hỏi các kinh nghiệm, kỹ thuật công nghệ của nước ngoài để sản xuất các thiết bị, linh kiện nêu trên, tránh nhập khẩu để giảm giá thành và chủ động được trong nước.

Tôi đã đi ra đảo Cù Lao Chàm, tại đây Chính phủ Đức đã tài trợ cho đảo một dự án điện mặt trời, người dân đảo sử dụng một thời gian, sau không ai quản lý, bảo dưỡng, bảo hành, các thiết bị đã xuống cấp và hư hỏng. Rồi tại hai xã Quảng Trạch và Quảng Bình cũng đã được đầu tư các dự án từ vốn tài trợ của Đức và Hàn Quốc, bây giờ cũng hỏng, vv…

Hiện tại ngành điện Việt Nam chưa mua điện mặt trời của bất kỳ nhà đầu tư nào. Tại cuộc hội thảo ngày 11/5/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng Sông Cửu Long do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và EVN tổ chức với tên gọi: "Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo, động lực cho phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam", tôi đã đề xuất làm thử nghiệm 1 MW điện mặt trời tích hợp trên hồ nuôi trồng thủy sản tại đồng bằng Sông Cửu Long, có sự hỗ trợ của nước ngoài để có kết quả thực tế, để mọi người thấy được hiệu quả, sau khi đem lại thành công, mới nhân rộng, phát triển. Thực tế, trên thế giới, đã có nhiều dự án xây dựng theo mô hình này và đã thành công, mà không cần đầu tư nhiều vốn.

Chia sẻ:

Tin cổ đông