Nhật Bản chia sẻ công nghệ năng lượng sạch cho Việt Nam
Thứ 3, 05/11/2024
Administrator
28
Sáng 27-2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kinh tế công nghiệp và thương mại Nhật Bản tổ chức Hội thảo Đối tác công tư Việt Nam - Nhật Bản về công nghệ năng lượng sạch. Hội thảo này nằm trong chuỗi “Kế hoạch hành động toàn cầu hướng tới nền kinh tế ít carbon” mà Nhật Bản triển khai để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN.
Hội thảo Đối tác công tư Việt Nam - Nhật Bản về công nghệ năng lượng sạch
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, năng lượng là yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội mỗi quốc gia. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Nhà nước, hệ thống năng lượng tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội.
Hệ thống điện của Việt Nam tính đến nay đã xếp thứ 2 trong 10 nước Đông Nam Á, xếp thứ 23 trên thế giới về công suất hệ thống điện. Hiện nay, công suất của hệ thống điện Việt Nam đạt gần 50 nghìn MW, với công suất này đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng trên 10%/năm.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, nhu cầu năng lượng nói chung và nhu cầu điện nói riêng đã và đang làm nảy sinh các vấn đề không nhỏ làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước, như: tác động đến môi trường, cạn kiệt tài nguyên và an ninh năng lượng...
“Những thách thức to lớn đó trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hình nhiều cơ chế, chính sách để hạn chế những tiêu cực của sự phát triển ngành năng lượng, trong khi đó vẫn phải đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.
Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (có hiệu lực từ năm 2011), công bố các Tổng sơ đồ phát triển ngành điện (trong 10 năm có xét đến 10 năm tiếp theo), các tổng sơ đồ này được xem xét điều chỉnh trong 5 năm để đảm bảo phát triển hợp lý, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước; bên cạnh đó, để phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam cũng ban hành rất nhiều cơ chế chính sách phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như phát triển thủy điện nhỏ, phát triển điện gió, mặt trời, sinh khối và địa nhiệt…
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, cho tới cuối năm 2018, tổng công suất các nhà máy thủy điện đã đạt khoảng 22.000 MW, trong đó công suất các nhà máy thủy điện nhỏ (dưới 30MW) khoảng 4.000 MW; công suất các nhà máy điện gió, mặt trời dự kiến đưa vào vận hành vào cuối năm 2019 dự kiến khoảng 1.000MW điện mặt trời và 1.500MW điện gió (con số này đã vượt mức mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra theo Quy hoạch điện VII).
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, với cơ chế giá hấp dẫn, hiện nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào dự án điện gió và mặt trời của Việt Nam. Bộ Công Thương đã nhận được nhiều đề xuất phát triển điện gió và điện mặt trời.
Tuy nhiên từ 1/1/2019, Luật Quy hoạch mới của Việt Nam mới đi vào hiệu lực nên Bộ Công Thương đang đợi văn bản hướng dẫn của Chính phủ, hy vọng trong quý 1/2019 sẽ có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ để các nhà đầu tư sẽ được tiếp tục triển khai. Từ đó, số lượng các dự án điện gió vào năm 2020 và 2021 sẽ nhiều hơn nữa, nhiều khả năng vượt mốc 20% trong năm 2030 mà Chính phủ đặt ra.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ ra, việc phát triển năng lượng sạch hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định như không ổn định, khả năng giải toả công suất thấp (vì không phải chỗ nào cũng xây dựng được). Hơn nữa, việc chỉ tập trung nhiều dự án ở một số địa điểm sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành hệ thống điện.
Mặt khác, việc phát triển năng lượng tái tạo cũng làm tăng chi phí hệ thống và tăng giá điện đến người tiêu dùng. Vì thế, Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp để triển khai hiệu quả hơn.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn mà vẫn đảm bảo trong an toàn, ổn định trong vận hành hệ thống điện. Về cơ cấu điện hợp lý như cơ khí, điện than, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả về lâu dài với chi phí hợp lý, đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước.
Ông Daisuke Okabe - Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Trong thời gian vừa qua, và trước đó, Việt Nam - Nhật Bản đã xúc tác các khoản vay bằng tiền Yên để phát triển năng lượng; những năm gần đây, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản là đơn vị phục trách về lĩnh vực năng lượng của Nhật Bản cũng như Bộ Công Thương của Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc gặp, hội đàm giữa Bộ trưởng hai bộ, khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đã được thiết lập.
Vào tháng 11/2017, hai bộ đã ký kết biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực năng lượng; và căn cứ biên bản thỏa thuận ghi nhớ này, vào tháng 7/2018, hai bộ đã tổ chức đối thoại chính sách trong lĩnh vực năng lượng và triển khai hoạt động của tổ công tác về lĩnh vực năng lượng, vì vậy, hội thảo ngày hôm nay cũng là một trong những hoạt động của tổ công tác này.
Theo ông Daisuke Okabe, hoạt động hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản không chỉ dừng lại giữa hai nước, mà việc mở rộng mối quan hệ trên phạm vi quốc tế cũng rất quan trọng.
Hiện nay, trọng tâm tiêu thụ năng lượng đang được dịch sang khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, vì vậy, những chính sách, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ở khu vực ASEAN, cũng như việc triển khai các hợp tác cụ thể ngày càng quan trọng hơn.
“Vào năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước chủ tịch ASEAN, với tư cách là chủ tịch ASEAN, tôi rất mong Việt Nam phát huy khả năng lãnh đạo của mình tới việc chuyển đổi các nguồn năng lượng dựa vào các công nghệ các bon thấp, đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác trong khối tư nhân” - Ông Daisuke Okabe nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các diễn giả đã trao đổi, thảo luận các nội dung như: Tổng quan về ngành năng lượng và các chính sách biến đổi khí hậu; công nghệ thông minh trong ngành năng lượng tái tạo; công nghệ thông minh về sử dụng năng lượng hiệu quả...
Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn Việt Nam chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển năng lượng tái tạo cũng như các biện pháp và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Nhật Bản.
Chia sẻ: