Khuyến khích đốt rác phát điện
Thứ 3, 05/11/2024
Administrator
20
Thay vì chôn lấp như hiện nay, Hà Nội, TPHCM và các vùng đô thị lớn ở nước ta được khuyến khích dùng công nghệ đốt rác phát điện để xử lý rác thải sinh hoạt. Ðây là công nghệ tối ưu của thế giới hiện nay, phù hợp định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tái chế của Chính phủ.
Sáng 29/5 vừa qua, tại Bắc Ninh diễn ra lễ khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao đầu tiên của tỉnh, thứ hai của cả nước với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Nhà máy dự kiến hoạt động sau khoảng 15 tháng xây dựng, tiếp nhận xử lý 500 tấn rác/ngày với tổng công suất phát điện 11,7 MWh.
Công nghệ tiên tiến
Sử dụng công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn châu Âu với dây chuyền phân loại rác đầu vào kết hợp lò đốt tầng sôi tuần hoàn đến từ các nhà cung cấp hàng đầu của Phần Lan, dự án được UBND tỉnh Bắc Ninh kỳ vọng giải quyết triệt để vấn đề rác thải trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 8/12/2018, Nhà máy Xử lý rác phát điện Cần Thơ (ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đi vào hoạt động. Đây là dự án đốt rác phát điện xử lý rác sinh hoạt đầu tiên ở Việt Nam, tổng vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng, thời gian vận hành 20 năm, mỗi ngày có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát 150.000 kWh điện.
Rác giữa phố Chính Kinh, Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân Hà Nội
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đốt rác phát điện đang là công nghệ tối ưu của thế giới trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa giúp thu hồi năng lượng, được sử dụng rộng rãi tại các nước châu Âu, Nhật Bản trong nhiều năm qua.
Ông Thức nói thêm, thế giới đang chuyển mình sang nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cũng đang chuyển mình theo xu hướng đó. Chất thải phát sinh từ công đoạn này sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho công đoạn khác. Chu trình đó giúp giảm phát thải, giảm ô nhiễm, giảm chi phí tạo nguồn nguyên liệu mới, giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, hạn chế tối đa chi phí xử lý rác thải. Đốt rác phát điện cũng nằm trong chu trình nền kinh tế tuần hoàn. Rác thải được đánh giá là nguồn tài nguyên và sẽ tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý.
Theo GS. Đặng Kim Chi, chuyên gia môi trường, đốt rác phát điện biến rác thải thành tài nguyên thứ sinh tạo ra năng lượng phục vụ đời sống, giảm đáng kể thể tích rác, giảm diện tích chôn lấp, giảm phát thải ra môi trường, mang lại lợi ích về kinh tế.
Theo các chuyên gia, thế giới có 2 dòng công nghệ đốt rác phát điện gồm đốt rác phát điện từ nguồn rác nhiệt trị cao (rác được phân loại kỹ càng) và đốt rác phát điện từ nguồn nhiệt trị thấp (phân loại sơ bộ). Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, việc phân loại rác tại nguồn rất tốt nên sử dụng công nghệ đốt rác phát điện từ nguồn rác nhiệt trị cao, cho năng lượng thu hồi nhiều hơn. Việt Nam, có thể áp dụng công nghệ đốt rác phát điện từ nguồn rác tổng hợp (rác mới được loại bỏ sành sứ, thủy tinh, kim loại). Công nghệ này cho thu hồi năng lượng thấp hơn, tỷ lệ tro đáy cao hơn song phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam. Hai nhà máy ở Bắc Ninh và Cần Thơ đang áp dụng công nghệ này.
Khuyến khích đốt rác
Xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề nan giải nhiều năm qua. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp.
Thủ đô Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn, tỷ lệ chôn lấp tới 90%. Tại TPHCM, tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. Tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm thứ cấp mà vụ việc ở Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn vừa qua là một ví dụ. Vì vậy, trong quyết định phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt đến 2025, tầm nhìn 2050, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp chỉ còn 30%. Để đạt mục tiêu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện.
Rác thải sinh hoạt của Hà Nội chôn lấp tại bãi rác Xuân Sơn
Theo ông Hoàng Văn Thức, thời gian qua, một số địa phương đã định hướng chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt rác phát điện như Bắc Ninh, Cần Thơ, Hải Dương. Hà Nội cũng có phương án đốt rác phát điện tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đêm. TPHCM đang xây dựng 3 - 4 dự án. “Riêng tại hai thành phố lớn chúng tôi đề nghị chuyển đổi nhanh và mạnh sang phương án đốt rác phát điện, đến 2025 cơ bản chuyển sang đốt thu hồi năng lượng là chính, giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 20%”, ông Thức nói.
Hiện nay, chi phí đầu tư cho một nhà máy đốt rác phát điện là khá lớn, thời gian thu hồi vốn chậm. Vì vậy, theo GS. Đặng Kim Chi, để phát triển điện rác phải thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Cần có những chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, chẳng hạn như có ưu đãi giá điện từ nhà máy đốt rác phát điện khi hòa lưới điện quốc gia, có cơ chế hỗ trợ vay vốn từ các nguồn quỹ đầu tư cho bảo vệ môi trường, hỗ trợ chi phí vận hành đảm bảo nhà đầu tư có thể thu hồi vốn trong thời gian nhất định để duy trì hoạt động bền vững của các nhà máy đốt rác phát điện.
Ông Hoàng Văn Thức cho biết, để khuyến khích các nhà đầu tư, cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh, sửa đổi nhiều cơ chế chính sách như phân công lại chức năng nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, điều chỉnh quy định về phí và giá xử lý rác thải sinh hoạt, ưu tiên mua điện với giá cao nhất. Theo ông Thức, giá mua điện kết hợp với tiền hỗ trợ xử lý rác thải của các địa phương phải đảm bảo giúp nhà đầu tư thu hồi vốn trong vòng 5 - 7 năm. Từ đó, Việt Nam mới có thể hiện thực hóa điện rác, giải quyết được bài toán xử lý rác thải sinh hoạt nhiều năm qua.
Cần đưa vào những công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến Theo GS. Ðặng Kim Chi, phải sử dụng những công nghệ tiên tiến trong đốt rác phát điện để hạn chế sự phát thải dioxin và furan trong quá trình đốt. Ðiều khiển và khống chế quá trình đốt rác trong vùng nhiệt độ phát sinh ít nhất dioxin và furan. Sau đó phải có hệ thống xử lý khí thải đảm bảo xử lý tách các dioxin và furan có thể tái tạo trong quá trình hoạt động. Hiện nay, việc kiểm soát dioxin và furan từ nhà máy đốt rác phát điện được nhiều quốc gia làm rất tốt. Theo TS Trần Thế Loãn, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, công nghệ đốt rác tiên tiến của thế giới hiệu nay có thể hạn chế tốt khí thải từ quá trình đốt. Vấn đề quan trọng là cần đưa ra hàng rào kỹ thuật để đưa về Việt Nam các công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tốt quá trình xử lý khí thải sau đốt. Bên cạnh đó, cần công cụ đủ mạnh để giám sát hoạt động đốt rác theo các quy chuẩn đã được xây dựng. Ông Hoàng Văn Thức cho biết, việc giám sát khí thải được thực hiện theo quy chuẩn quốc gia. Tại nhà máy đốt rác phát điện đã vận hành ở Cần Thơ, kết quả phân tích mẫu cho thấy, nhà máy này kiểm soát tốt khí thải ra môi trường. |
Chia sẻ: