ESG – thang đo giá trị chân chính của một doanh nghiệp

Thứ 3, 05/11/2024

Administrator

31

Thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu, gặt hái thành công trong bối cảnh nhận thức về môi trường, xã hội ngày càng cao.

ESG – xu thế tất yếu và điều kiện bắt buộc của doanh nghiệp

Thông tin từ Hội thảo "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG" do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức tại Hà Nội vào sáng 23/5 cho thấy, ESG không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là điều kiện bắt buộc đối với sự tăng trưởng và phát triển của mỗi một doanh nghiệp trong bối cảnh nhận thức về xã hội, môi trường ngày càng cao hiện nay.

esg-1202405231 05527.jpg

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội thảo

Báo cáo ESG tại Việt Nam do PwC công bố vào năm 2022 cho thấy, 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2 đến 4 năm tới. Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, thực hành ESG, cũng như triển khai các mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng xanh nói chung, không chỉ là xu thế, mà còn là điều kiện bắt buộc. Nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam hiện nay đều đã có những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề này. Do đó, việc công bố dữ liệu và báo cáo ESG sẽ trở nên phổ biến hơn và sẽ trở thành xu thế không thể đảo ngược trong tương lai.

Ông Matthew Smith - Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh đầu tư hiện nay, các yếu tố ESG không còn là tùy chọn, chúng trở thành yếu tố thiết yếu. Một công ty duy trì các tiêu chuẩn và hành động ESG cao hơn sẽ được nhìn nhận tích cực hơn.

Lý do được ông Matthew Smith đưa ra là: Các nhà đầu tư xem các công ty có thực hành ESG mạnh mẽ là ít rủi ro hơn. Nhận thức này xuất phát từ niềm tin rằng các công ty này được quản lý tốt hơn và nhạy bén hơn với các rủi ro và cơ hội tiềm năng. Các công ty xuất sắc trong tiêu chuẩn ESG thường dễ dàng thu hút đầu tư hơn. Các thị trường vốn ưa chuộng các công ty này, cung cấp cho họ các điều kiện tốt hơn và nhiều cơ hội phát triển hơn.

Đặc biệt, theo ông Matthew Smith: Các công ty thực hành ESG vững chắc thường có giá trị cao hơn, do rủi ro giảm và dễ dàng tiếp cận vốn. Các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn cho sự ổn định và bền vững được nhận thức của các công ty này.

“Tóm lại, các yếu tố ESG đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các quyết định tài chính và định giá công ty. Bằng cách đón nhận quản trị mạnh mẽ, các công ty không chỉ nâng cao hiệu suất ESG của mình mà còn đảm bảo vị trí của họ như là các cơ hội đầu tư hấp dẫn. Các nhà đầu tư, theo đó, có thể mong đợi các khoản đầu tư ổn định, bền vững và có lợi nhuận cao hơn” - ông Matthew Smith khẳng định.

Cũng nói về vai trò quan trọng của ESG đối với sự phát triển của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Quan điểm mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận là quan điểm quá đơn giản và lạc hậu. Kinh tế học dựa trên quan điểm này đã không giải thích được tại sao các tỷ phú lại dành phần lớn các lợi nhuận của mình cho các dự án cộng đồng.

"Tại sao các ông chủ có tài sản hàng tỷ USD sao không tận hưởng cuộc sống xa hoa mà vẫn phải lao tâm khổ tứ với những dự án lớn đầy rủi ro để có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người" - ông Nguyễn Tú Anh đặt câu hỏi và cho rằng: Rõ ràng mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp phải là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cộng đồng chứ không chỉ là mục tiêu lợi nhuận. Tìm kiếm lợi nhuận dựa trên tổn hại lợi ích của người khác, của thế hệ khác đó không phải là lợi nhuận chân chính.

"Do đó các chuẩn mực ESG chính là thang đo về giá trị chân chính của một doanh nghiệp. Thực hiện ESG không chỉ làm cho doanh nghiệp cảm thấy những thành công của mình thực sự có ý nghĩa hơn, lớn hơn, và bao trùm hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp dễ thành công hơn trong bối cảnh mà nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường của cộng đồng ngày càng cao. Có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của áp dụng chuẩn mực ESG trong môi trường hội nhập toàn cầu như tăng thị phần, giảm chi phí, giảm áp lực về pháp lý, tối ưu hóa đầu tư và nắm giữ tài sản” – ông Nguyễn Tú Anh thông tin.

esg42024052310 5902.jpg

Hội thảo "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG" do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức

Nâng cao nhận thức, khắc phục rào cản thực hành ESG

Thực hành ESG không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển bền vững nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, ESG ngày càng được quan tâm rộng rãi, phần lớn là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy thực hành các thông lệ liên quan đến ESG và sự gia tăng nhu cầu của nhà đầu tư với đầu tư bền vững.

Đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mặc dù tăng trưởng kinh tế là mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng tới, nhưng phát triển xanh, bền vững đang trở thành ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được không chỉ sự thịnh vượng về kinh tế mà còn bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Mặc dù vậy, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: Có những thách thức và rào cản khác nhau trong việc thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam, bao gồm thiếu kiến thức, nguồn nhân lực và quy định của nhà nước.

esg32024052311 1903.jpg

Các diễn giả tham gia thảo luận về thực hành ESG

Liên quan đến những thách thức với doanh nghiệp khi thực hành ESG, ông Phan Đăng Bảo - Chuyên gia phát triển bền vững, Công ty Cổ phần tái chế nhựa Lam Trân cho biết: Lam Trân không chỉ nhấn mạnh vào việc tái chế bao bì nhựa mềm mà còn cam kết mạnh mẽ với nguyên tắc ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty).

Hiện nay công suất tái chế thành phẩm của Lam Trân ước chừng khoảng 1.000 tấn/ tháng, tương đương với khoảng 2.000 tấn nguyên vật liệu rác thải nhựa mềm bao gồm túi nhựa nilon, bao bì thực phẩm,...

"Mặc dù vậy, việc thu gom, phân loại rác thải nhựa mềm ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại vẫn chưa có một tiêu chuẩn, cách thức thu gom, phân loại rõ ràng tại nguồn" - ông Phan Đăng Bảo cho biết thêm.

Để thúc đẩy ESG tại Việt Nam, theo ông Patrick Haverma: Cần có một chương trình toàn diện bao gồm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ tiếp cận với các nhà đầu tư ESG và tác động, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện ESG theo đúng cách, tập trung vào tính khoa học và tác động thực tế.

Còn theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh và nhất là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức.

Sáng 23/5, Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức Hội thảo với chủ đề: Tìm Động Lực Tăng Trưởng từ ESG”. Hội thảo là một phần trong Chuỗi chương trình RIS.ER24:“ESG & Câu chuyện phát triển bền vững” sẽ lần lượt được tổ chức từ nay tới cuối năm và được tổ chức thường niên kể từ năm 2024.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp tiên phong như Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), BCG Energy, Yuanta Việt Nam, UOB Việt Nam, TÜV Rheinland Vietnam, Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp XNK Đông Dương (DDG), Công ty Cổ phần tái chế nhựa Lam Trân đã chia sẻ câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm xung quanh việc thực hành ESG. Đặc biệt, hội thảo còn có khu vực trưng bày và phần trình diễn mẫu xe điện Vinfast VF3 đang rất được quan tâm hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như, CEO, Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS (WBS), đại diện cho đơn vị đồng tổ chức hội thảo cho biết, RIS.ER24 ra đời với tham vọng tạo nên một diễn đàn đối thoại thường xuyên giữa các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế đầu ngành cùng các nhóm doanh nghiệp tiên phong nhằm khuấy động, lan tỏa tinh thần trách nhiệm thực thi các tiêu chí, chiến lược và định hướng tăng trưởng bền vững. Mục tiêu của WBS là khởi tạo thương mại đa phương và kết nối kinh tế bền vững, đồng dài dài hạn cùng các doanh nghiệp trong hành trình phát triển xanh, thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ.

Chia sẻ:

Tin cổ đông